Giỏ hàng

Bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có năm dân tộc thiểu số (DTTS) gồm Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu sinh sống ở 11 huyện, thị xã miền núi với số lượng hơn 440 nghìn người, chiếm 15% số dân toàn tỉnh. Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống DTTS có nguy cơ mất đi bản sắc riêng.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An nói chung, đồng bào DTTS nói riêng có bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, được lưu truyền qua bao thế hệ với nhiều loại hình, mang bản sắc riêng của từng dân tộc, là sản phẩm tinh thần quý báu đang được giữ gìn và tiếp tục phát triển. Trong đó, trang phục truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An còn biểu trưng cho nét đẹp văn hóa trong đời sống như tín ngưỡng, biểu đạt chức năng xã hội của người mặc.

Già làng Vi Văn Đại, gần 70 tuổi, dân tộc Thái ở bản Chiếng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong chia sẻ: “Để bảo tồn trang phục truyền thống của một số dân tộc như Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ và Ơ Đu, tỉnh khuyến khích người dân phát triển nghề dệt thổ cẩm. Những người mẹ, người chị truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các con, em gái mình theo nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào”.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Thanh Hải cho biết: “Hiện nay, Nghệ An đã khôi phục, hình thành một số làng nghề, hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm, dệt thổ cẩm, sản xuất trang phục; các đồ thủ công mỹ nghệ liên quan đến thổ cẩm ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương… Tỉnh cũng tạo điều kiện môi trường thuận lợi để trang phục truyền thống của người DTTS được trưng bày, trình diễn, qua đó khơi dậy trong đồng bào niềm tự hào và yêu thích sử dụng trang phục của dân tộc mình. Những người làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nghệ An đã và đang nghiên cứu kỹ các loại trang phục của từng dân tộc, nhằm đưa ra những đặc điểm chung, nổi bật để thiết kế bộ trang phục đặc trưng và đồng nhất cho từng dân tộc, mạnh dạn thử nghiệm một số chất liệu mới để sản xuất với giá thành hợp lý…”.

Trong những năm qua, ngành lao động - thương binh và xã hội cũng phối hợp các doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào. Tại các trung tâm dạy nghề ở địa phương được trang bị thêm máy móc, áp dụng các phương pháp thêu hiện đại, thiết kế sản phẩm mới ngoài trang phục truyền thống đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An là việc cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và vững chắc.

Danh mục tin tức

Từ khóa