Giỏ hàng

Người nặng lòng với văn hóa Thổ

Ở huyện miền núi Quỳ Hợp khi nhắc đến lĩnh vực văn hóa dân tộc nhiều người biết về ông-  một người không chỉ giỏi về chơi đàn tính tang mà còn đam mê sưu tầm các nhạc cụ, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống… Đặc biệt, ông còn sáng tác hàng chục bài hát, điệu dân ca...tiếng Thổ nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi.. Tên ông là Trương Sông Hương, năm nay 60 tuổi, ở làng Dụa, xã Thọ Hợp.

Năm 2006, được sự hỗ trợ của Ban điều phối Dự án "Cải thiện đời sống của cộng đồng người dân và nâng cao năng lực các tổ chức địa phương" (SCODE) tại huyện Quỳ Hợp do Phần Lan hỗ trợ, Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thổ ở làng Dụa, xã Thọ Hợp do ông làm chủ nhiệm được ra đời, trở thành nơi điểm đến của những người yêu quý văn hoá dân gian dân tộc Thổ.

Hiện câu lạc bộ có gần 60 hội viên đều là người dân tộc Thổ. Trung bình mỗi tháng một lần họ họp nhau lại, hát cho nhau nghe các làn điệu dân ca, biểu diễn cho nhau xem các điệu múa của dân tộc mình...Trong các lần sinh hoạt ấy, những người già, người am hiểu dân ca, dân vũ, của dân tộc Thổ trở thành những người thầy trực tiếp truyền thụ các kiến thức về văn hoá dân gian cho các thành viên khác, đặc biệt là lớp trẻ. Khi mới thành lập, câu lạc bộ gặp không ít khó khăn. Thiếu người có kinh nghiệm, thiếu nhạc cụ biểu diễn, thiếu kinh phí hoạt động, song bằng niềm đam mê khôi phục vốn văn hoá cổ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, những thành viên của câu lạc bộ đã vượt qua những trở ngại và có những hoạt động tích cực trong việc sưu tầm và bảo tồn văn hoá dân tộc mình.

Đến nay, các thành viên của CLB đã sưu tầm, chỉnh lý, cải biên hàng chục bài dân ca, dân vũ trong cộng đồng như: hát ru, hát dạ ời, hát mừng lúa mới, hát giao duyên...; chế tác hàng chục nhạc cụ truyền thống: đàn tính tang, đàn bầu, đàn tứ, đàn nhị, bộ gõ chân... Để nét văn hoá dân gian dân tộc Thổ được lan toả, thấm sâu, có sức hút mạnh mẽ với mọi người, câu lạc bộ đã tổ chức các đợt biểu diễn để phục vụ bà con trong các dịp lễ tết, hội hè thậm chí cả đám cưới, lễ mừng nhà mới...Những thành viên câu lạc bộ được nhân dân trong vùng yêu mến gọi là "gánh hát rong", dù trên sân khấu sáng ánh đèn, hay những buổi hát mừng đám cưới, những lần biểu diễn trên bãi đất trống, trên sân kho ở các xã vùng sâu... thì các thành viên của CLB vẫn thể hiện hết mình mà không hề nghĩ đến một khoản thù lao nào cho mình. Với họ, biểu diễn là để bảo tồn và lưu giữ. Chính những lần biểu diễn đó đã có tác động mạnh mẽ làm chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc Thổ, họ thấy tự hào về làn điệu mượt mà của dân ca, du dương của tiếng đàn, tiếng sáo, nhịp nhàng của điệu múa của dân tộc mình, rồi từ đó họ ý thức được rằng vốn văn hóa này cần được lưu giữ.


Danh mục tin tức

Từ khóa